Lễ khao lề thế lính

Lễ khao lề thế lính là một lễ hội được nhân dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi duy trì hàng trăm năm nay[1]. Thời gian đầu khi mới thành lập Đội Hoàng Sa, cứ hàng năm người của đảo Lý Sơn lại được tuyển mộ vào đội này làm binh, phu đi khai thác và bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này gọi là "thế lính". Lễ khao lề thế lính là một lễ hội độc đáo với truyền thống uống nước nhớ nguồn nhằm ghi nhớ công ơn người xưa hay nhóm An Vĩnh thuộc hải đội Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận mà không trở về[2].Lễ hội được tổ chức tại Âm Linh Tự (một di tích được xếp hạng quốc gia) vào các ngày 18, 19, 20 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn không chỉ của huyện mà còn của cả tỉnh Quảng Ngãi. Với hình thức tổ chức rất công phu nhiều công đoạn, song đặc biệt hơn cả là hình thức thả thuyền giấy ra biển ngụ ý mãi duy trì việc ra biển như trước và có lẽ vì thế mà lễ hội có tên là khao lề thế lính. Vào những ngày này, ngoài việc tổ chức người địa phương còn thực hiện đắp và dọn các ngôi mộ của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa (dân nơi đây gọi là Mộ gió).Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam, du lịch mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống gìn giữ và bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của đất nước. Đề nghị mọi người cùng ủng hộ việc nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, một lễ hội có lịch sử 400 năm là Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó cũng là một cách để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa.